Bulletin

Bulletin Việt Nam, trang tin tức thông tin giải trí Việt Nam


Bình cứu hỏa cho ai?

    Tool Linked
    Tool Linked
    Gà Con
    Gà Con
    Tổng số bài gửi : 6
    Điểm : 14
    Danh vọng : 2
    Join date : 05/01/2016

    Bình cứu hỏa cho ai? Empty Bình cứu hỏa cho ai?

    Bài gửi by Tool Linked Wed Jan 13, 2016 7:08 am

    Những tranh cãi gần đây về quy định buộc ôtô trang bị bình cứu hỏa khiến tôi nhớ đến cái chết thương tâm của Paul William Walker, diễn viên điện ảnh người Mỹ nổi tiếng với vai diễn Brain O’Conner trong loạt phim "The Fast and the Furious".
    Walker mất ngày 30/11/2013 do xe hơi của anh bị bốc cháy hoàn toàn sau khi đâm trúng một gốc cây.
    Trước vụ cháy xe của Walker một tuần, tôi đang ở trong nhà anh Ander, một kỹ sư sống ở thành phố Danderyd của đất nước Thụy Điển. Một chiều thứ sáu đi làm về, chưa kịp dừng hẳn xe ở bãi đỗ trên đồi Mörbylund, Ander đã may mắn thoát chết khi xe hơi của anh đột ngột bốc cháy.
    Cháy xe có nhiều nguyên nhân, nhưng phổ biến nhất vẫn là động cơ, liên quan đến cháy nhiên liệu và chập điện. Để hạn chế tối đa rủi ro, các chuyên gia ôtô luôn khuyên các tài xế giữ bình chữa cháy trong xe như một biện pháp phòng cháy an toàn.
    Tôi cho rằng, quy định bắt buộc trang bị phương tiện phòng cháy chữa cháy đối với phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cũng xuất phát từ mối lo ngại đó. Tuy nhiên, các tài liệu phòng cháy chữa cháy lại khiến tôi băn khoăn. Ví dụ, bình chữa cháy bọt khí CO2 được khuyên: “Đặt ở nơi khô ráo, thoáng gió, tránh những nơi có ánh nắng và bức xạ nhiệt mạnh, nhiệt độ cao nhất là 50 độ C”. Thực tế trong điều kiện nước ta, xe ôtô đa số để ngoài trời, mùa hè nhiệt độ trong xe có thể lên tới 70 - 80 độ C, thì bình chữa cháy CO2 có đặc điểm khí nén áp suất cao liệu có trở thành quả bom phát nổ?
    Phần lớn các quốc gia trên thế giới không yêu cầu trang bị bình cứu hỏa trên ôtô. Một số nước như Anh, Thụy Điển, Đan Mạch, Nauy chỉ khuyến cáo mỗi xe ôtô nên có ít nhất một bình chữa cháy, nhưng không bắt buộc với xe cá nhân. Ở Anh, bình cứu hỏa của họ được chế tạo với nhiệt độ tiêu chuẩn từ -40 độ C đến 120 độ C, có ghi rất rõ giới hạn này ở ngoài vỏ bình. Nhà sản xuất cũng giải thích rằng, tiêu chuẩn thử nghiệm dây chuyền của bình cứu hỏa phải chịu được nhiệt độ lên đến 175 độ C, vỏ bình phải chịu được áp suất gấp ba lần so với quy định.
    Nhưng, ngay cả khi đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn này, nhà sản xuất cũng không đảm bảo bình chữa cháy của họ không bị phát nổ khi gặp nhiệt độ cao trong các trường hợp van bị rò rỉ, hoặc hóa chất trong bình vượt quá thời hạn sử dụng có thể gây phản ứng cháy chậm. Vì vậy, các chuyên gia ở đây khuyên tài xế chỉ mua bình chữa cháy khi đã hiểu kỹ những nội dung bao gồm: chất lượng bình, loại bình chứa thành phần chữa cháy, trọng lượng bình, nơi đặt bình trong xe, bảo dưỡng bình định kỳ…
    Rõ ràng việc sử dụng bình chữa cháy theo tiêu chuẩn Việt Nam với giới hạn nhiệt độ không quá 50 độ C là không phù hợp. Điều tôi lo ngại hơn là tâm lý đối phó của người dân. Việc coi bình cứu hỏa là một điều kiện bắt buộc để xe được đăng kiểm, một căn cứ để xử phạt chủ xe có thể khiến người sử dụng mua sắm thiết bị này để qua mặt nhà chức trách chứ không quan tâm đến chất lượng và tính an toàn. Từ khi quy định này có hiệu lực (6/1), không ít người dân đã đổ xô đi mua bình cứu hỏa dù họ chưa biết sẽ lắp vào đâu vì thông tư không hướng dẫn và nhiều hãng xe không có thiết kế vị trí cho thiết bị này.
    Kết quả giám định của cơ quan chức năng cho hay, chiếc xe của Paul Walker đã bốc lửa và cháy dữ dội chưa đầy một phút sau khi gặp tai nạn. Tài tử bị lửa thiêu cháy vì không kịp chạy ra khỏi xe. Sau sự cố của Ander, tôi cũng hỏi anh tại sao không nỗ lực lao vào cứu xe khỏi bị cháy? Anh giải thích xe anh bị cháy là do động cơ thoát nhiên liệu ra ngoài, khói bốc lên từ mui xe đã chứng tỏ điều đó. Trong trường hợp này, nếu cố gắng cứu xe bằng cách cậy nắp mui xe để phun chất chống cháy, hay ở lại gần xe quá lâu, thì đó là điều cực kỳ ngu ngốc bởi nhiên liệu có thể phun thẳng vào mặt gây bỏng nặng, hoặc xe có thể phát nổ bất cứ lúc nào.
    Qua câu chuyện của Ander, tôi hiểu rằng, chính sự hiểu biết thấu đáo mới có thể cứu được con người trong tai nạn. Nếu sử dụng trang thiết bị mà không hiểu rõ về đặc tính, cách bảo quản và sử dụng nó, lợi sẽ bất cập hại.
    Mạng sống của con người là quý giá. Tôi đánh giá cao những quyết định đầy tính trách nhiệm, được ban ra từ nỗi lo lắng cho sự an toàn của người dân. Nhưng nếu chỉ lo lắng một cách cảm tính mà ra quyết định không dựa trên các căn cứ khoa học và thực tiễn, tôi e sẽ là thứ trách nhiệm nửa vời.
    Đã xuất hiện nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng xem xét hủy bỏ quy định này. Biết lắng nghe và phản hồi với tôi mới là một thái độ trách nhiệm cần có.
    Trần Văn Phúc